Huyện Nga Sơn tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở vùng đất nhiễm mặn

Thứ sáu - 16/09/2016 08:04
Năm 2014, huyện Nga Sơn triển khai Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Sau 2 năm triển khai, đề án đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, giúp cải tạo đất và tiết kiệm nguồn nước tưới; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động...

mo hinh nuoi trong thuy san

Trước đây, tại vùng ven biển của huyện Nga Sơn, hiện tượng nước mặn xâm nhập thường xuyên diễn ra, nên một số diện tích cói ở các xã: Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến trong đê Ngự Hàm 3 và ở triền sông Lèn; đất ngoài đê xã Nga Điền ảnh hưởng của đắp đập tạm sông Càn nên thiếu nước tưới, khó khăn cho sản xuất, năng suất không cao. Đồng thời, việc canh tác cói trên đất nhiễm mặn ở các xã ven biển cũng xuất hiện nhiều sâu bệnh, hiệu quả kinh tế thấp, diện tích đất bị hoang hóa có nguy cơ mở rộng.... Để khắc phục tình trạng này,  huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ thực hiện cải tạo đất nhiễm mặn cho các địa phương, xây lắp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Tại xã Nga Tiến, huyện đã hỗ trợ kinh phí giúp địa phương  hoàn thành 100% khối lượng xây lắp các công trình phục vụ sản xuất, như: Xây dựng 6 cống điều tiết tưới tiêu, nạo vét 4 tuyến kênh tiêu gồm: Mậu Đức, Xuân Mai, Phú Sơn, Tiến Thành; cấp  138 ống cống cho địa phương tổ chức lắp đặt tại các bờ vùng để lấy nước. Tại xã Nga Tân, huyện cũng đã đầu tư nạo vét các tuyến kênh tiêu gồm: kênh Thủy Sản, kênh Trục T3, kênh chân đê Ngự Hàm 2 và lắp đặt 4 cống tiêu, 7 cống tưới để nhân dân an tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ vùng đất nhiễm mặn... Đồng thời, Nga Sơn cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân, như: hỗ trợ 70% kinh phí cải tạo đất cói chuyển sang đất cấy lúa, tương đương 6,3 triệu đồng/ha, tổ chức chuyển giao kỹ thuật, thâm canh các giống lúa có khả năng chịu mặn: VT404, C.Ưu đa hệ số 1... vào sản xuất. Tổng số tiền đã hỗ trợ nhân dân hơn 1,1 tỷ đồng.  Nhờ vậy, đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, Nga Sơn đã chuyển đổi được gần 228 ha đất trồng cói sang trồng lúa. Trong đó,  Nga  Điền 44,13 ha, Nga Phú 44,52 ha, Nga Thái 29,34 ha, Nga Tiến 110 ha. Năng suất lúa bình quân từ 58,43 tạ/ha năm 2014 lên 59,09 tạ/ha năm 2015 và vụ chiêm xuân 2016 tăng lên 65 tạ/ha, đây được coi là vụ có năng suất cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, Nga Sơn cũng đã thực hiện chuyển đổi được 230,67 ha đất nhiễm mặn trồng cói tại các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy, Nga Thạch, Nga Thái... sang đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Các trang trại này đã cho thu hoạch, đồng thời mang lại kỳ vọng tạo ra sự đột phá đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nhiễm mặn của Nga Sơn.  Theo đó, đến nay trên địa bàn toàn huyện có 965 trang trại tổng hợp các loại, trong đó có 72 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điển hình như mô hình trang trại tổng hợp của gia đình chị Mã Thị Thủy ở thôn 1, xã Nga Thạch. Trang trại hiện có 20 lợn nái sinh sản, hơn 100 lợn thịt, ao nuôi cá và vườn cây ăn quả. Trong khi cách đây hơn 2 năm, khu vực này là cánh đồng cói bị nhiễm mặn, chất lượng và sản lượng cói đạt thấp, có thời kỳ cói bị bỏ hoang. Năm 2014, trong quá trình dồn điền, đổi thửa, xã khuyến khích các hộ dân có điều kiện nhận, chuyển đổi sang đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung. Thấy đây là cơ hội tốt để có thể phát triển kinh tế gia đình, chị Thủy đã đề nghị được đổi hết diện tích đất ruộng trồng cói của gia đình, đồng thời đấu thầu thêm của các hộ xung quanh được tổng cộng 3 ha. Gia đình chị đã đầu tư kinh phí cải tạo, xây dựng bờ vùng, đường giao thông, quy hoạch khu chuồng trại, ao nuôi, trồng cây ăn quả. Năm 2015, gia đình chị thu hoạch được gần 30 tấn cá, bán hàng trăm con lợn thịt,  thu lãi gần 200 triệu đồng. 

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, công tác cải tạo vườn tạp tại huyện Nga Sơn cũng có những chuyển biến khá tích cực. Huyện đã xây dựng được các mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế khá, như: mô hình cây hồng xiêm ở xã Nga Thái; mô hình cây bưởi diễn ở các xã Nga Liên, Nga Thanh, Nga Hưng, Nga Hải; mô hình cây thanh long ruột đỏ ở các xã Nga Thiện, Nga Văn, Nga Thủy... Nhiều vườn cây ăn quả đã và đang cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm...

Để phát huy kết quả đã đạt được và tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong thời gian tới, huyện Nga Sơn tiếp tục khuyến khích nông dân phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo đó, huyện sẽ tổ chức liên kết nông dân, tạo điều kiện hình thành và phát triển các loại hình tổ chức sản xuất tiên tiến, phù hợp. Cùng với đó, tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; khảo nghiệm, chuyển giao các giống cây trồng triển vọng, phù hợp với địa phương. Đặc biệt, ưu tiên các giống có năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng thích ứng điều kiện bất lợi về biến đổi khí hậu, chống chịu dịch bệnh. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn. .Bài và ảnh: Khánh Phương

Nguồn tin: baothanhhoa.vn

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên hệ nhanh

TIN TỨC