Người dân nuôi nhuyễn thể ở Vân Đồn lao đao vì... thiếu cát
Để có thể xuống giống tu hài và ngao cho kịp thời vụ,
nhiều hộ dân xã Bản Sen đã phải tận dụng lại cát cũ nhưng số lượng chỉ như “muối bỏ bể”.
Không xuống giống được vì... thiếu cát
Theo tìm hiểu của chúng tôi, suốt 7 tháng nay, hơn 500 hộ dân nuôi nhuyễn thể ở huyện Vân Đồn thiếu cát để xuống giống nuôi tu hài, ngao, dẫn đến nguy cơ trắng tay.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Kiều Anh Chính, một hộ dân nuôi tu hài và ngao ở xã Bản Sen, cho biết: Đặc điểm của nghề nuôi tu hài và ngao là cho con giống vào lồng nhựa bọc kín lưới đổ đầy cát thô pha lẫn các mảnh vụn của vỏ nhuyễn thể và san hô rồi thả xuống biển. Nếu không có cát, giống nuôi sẽ bị trôi đi và chết. Đây cũng là 2 loài có thể nuôi quanh năm, thời gian từ khi thả giống đến khi thu hoạch khoảng 10-15 tháng. Căn cứ vào mùa vụ sinh sản thì người nuôi cũng sẽ tiến hành xuống giống làm 2 đợt, đợt 1 từ tháng 12 đến tháng 5 và đợt 2 từ tháng 7 đến tháng 9. Do nhiều tháng qua không có cát để xuống giống nuôi, nên số lượng con giống chết rất nhiều. Đơn cử như gia đình tôi, đến nay đã có tới 40 vạn giống ngao và 20 vạn giống tu hài đã phải bỏ đi. Trong khi đó, 1 vạn giống tu hài sẽ mất 500.000 đồng và 1 vạn giống ngao là 300.000 đồng. Hiện nay gia đình đang có 1 vạn lồng để không, kéo theo hàng chục lao động không có công ăn việc làm.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Hoàng Văn Liên, thị trấn Vân Đồn, giọng buồn rầu: Năm 2015, chúng tôi đã bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư 1,4 vạn lồng và con giống. Trong đó, có tới 500 triệu đồng gia đình vay vốn của ngân hàng, mỗi tháng chúng tôi sẽ phải trả khoảng 4 triệu đồng tiền lãi. Với giá bán khoảng 80.000-90.000 đồng/kg ngao giá và tu hài từ 350.000 đồng/kg thì chỉ khoảng 2-3 năm là gia đình sẽ trả được vốn vay và bắt đầu có lãi. Thế nhưng, vụ này gia đình tôi có tới 500 lồng đợi xuống giống mà vẫn không có cát thì 10 tháng sau lấy gì mà thu hoạch. Vì vậy, tỉnh và địa phương cần sớm cho chúng tôi giải pháp để khắc phục kịp thời, nếu không gia đình tôi và nhiều hộ nuôi khác chắc chắn sẽ rơi vào cảnh nợ nần. Không chỉ có những hộ nuôi tu hài và ngao sống trong cảnh thấp thỏm, đứng ngồi không yên, mà những người sản xuất giống, lồng nuôi, đan lưới thuê cũng lao đao theo. Dọc con đường từ chợ Cái Rồng xuống đến cảng Cái Rồng chưa đầy mấy trăm mét, nhưng đã có tới trên 20 nhà nhận đan lưới vào lồng nhựa. Những năm trước, hoàn thiện được lồng nào là các đại lý đến lấy ngay lồng đó, với giá tiền từ 1.000-1.500 đồng/cái, nghề đan lưới này cũng mang lại thu nhập ổn định khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện. Nhưng thời điểm này, nhà nào cũng chất đống hàng nghìn lồng, kéo theo tiền công vẫn chưa được các đại lý thanh toán. Còn hàng nghìn lao động làm thuê cho các hộ nuôi trồng, các đơn vị thu mua nhuyễn thể cũng đã phải nghỉ việc hoặc kiếm việc khác làm tạm thời trong nhiều tháng nay.
Nếu không có cát để xuống lồng nuôi, giống tu hài, ngao sẽ bị chết khi con giống phát triển quá lớn.
Huyện Vân Đồn cần vào cuộc
Được biết, từ năm 2000 trở lại đây, ngành nuôi trồng thuỷ, hải sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đã được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển mạnh, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản không ngừng tăng. Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến 2015, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản trung bình hàng năm đạt 19.520 tấn. Nhờ đó, số lao động của huyện hoạt động trong ngành Thuỷ sản lên tới 7.300 người, chiếm khoảng 17% dân số toàn huyện. Trong số các loài thuỷ sản được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư nuôi trồng thì tu hài, ngao là những giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh tu hài Vân Đồn khẳng định: Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của tỉnh và huyện trong việc tăng cường quản lý tài nguyên cát. Thế nhưng, nếu không có cát thì người dân nuôi trồng tu hài, ngao sẽ mất kế sinh nhai. Tại sao tỉnh và huyện không xem xét cho phép Hiệp hội chúng tôi được khai thác nguồn cát tại khu vực Tây Bắc Hòn Chín để cung cấp cho các hộ gia đình, cá nhân. Trên cơ sở nhu cầu sử dụng cát nuôi trồng thuỷ sản của các hộ, Hiệp hội sẽ có trách nhiệm xác định cụ thể khối lượng cát cần sử dụng theo từng vụ nuôi, lập kế hoạch, xây dựng phương án khai thác, đăng ký phương tiện vận chuyển với nguyên tắc không thực hiện kinh doanh cát, chỉ thu lại phần chi phí bơm hút cát, chi phí vận chuyển. UBND huyện Vân Đồn sẽ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động bơm, hút vận chuyển cát; không để phát sinh các trường hợp lợi dụng hút cát trái phép. Nếu chúng tôi làm trái nguyên tắc sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Còn theo ông Hà Văn Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện: Nếu không có cát phục vụ nuôi tu hài và ngao, chắc chắn thiệt hại của 283 hội viên với 3 triệu lồng nuôi của Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh tu hài là rất lớn, chưa kể hàng trăm hộ nuôi nhỏ lẻ và các hoạt động phụ trợ khác. Vì vậy, cách làm mà Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh tu hài Vân Đồn đề xuất sẽ “vẹn cả đôi đường” khi vừa quản lý tốt nguồn tài nguyên, vừa đảm bảo sinh kế cho các hộ dân.
Điều đáng buồn ở đây là rõ ràng các phòng, ban chức năng huyện Vân Đồn đều biết rằng, việc nuôi tu hài và ngao phụ thuộc hoàn toàn vào cát. Thế nhưng, trước lệnh cấm có thể gây thiệt hại rất lớn đến ngành kinh tế chủ lực của địa phương, tại sao địa phương lại “bỏ mặc” lời kêu cứu của các ngư dân suốt nhiều tháng qua. Vậy trước những thiệt hại đang diễn ra hàng ngày, trách nhiệm thuộc về ai, vai trò của địa phương và các cơ quan quản lý, tham mưu nằm ở đâu, bao giờ người nuôi tu hài, ngao có cát để phục vụ nuôi trồng...? Trong câu chuyện với chúng tôi, những câu hỏi trên đang là nỗi trăn trở và mong ngóng lớn nhất của những hộ nuôi nhuyễn thể trên địa bàn Vân Đồn.
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn