Về việc cá nuôi lồng bè chết trên sông Chà Và: Làm thế nào để kiểm soát được sự cố?
Những con cá bớp bị chết vào những ngày qua là những con chuẩn bị đến ngày thu hoạch
có trọng lượng 6 đến 7kg/con. Ảnh: THÀNH HUY
Cá đã chết kiểu như vậy từ năm 2008, và gần như năm nào cũng xảy ra 1 – 2 đợt. Nguyên nhân là do ô nhiễm nguồn nước. Mặc dù đã chỉ ra thủ phạm là các cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành đặt ở đầu nguồn sông Chà Và, nhưng cụ thể là ai phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho ngư dân thì chưa có câu trả lời bằng một phán quyết pháp lý. Tháng 9-2015 xảy ra vụ cá chết nhiều nhất, thiệt hại lớn nhất, thì phản ứng của ngư dân cũng mạnh nhất, họ mang cá chết lên UBND tỉnh yêu cầu xử lý. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân, chỉ đạo tiến hành vụ kiện 14 doanh nghiệp (DN) xả thải làm ô nhiễm môi trường, gây ra sự cố cá chết. Theo diễn tiến của vụ kiện, đến nay khi chỉ mới 2/14 DN thỏa thuận được mức đền bồi cho ngư dân, thì cá lại chết; nhiều hộ chưa được đền bù nay lại lần nữa trắng tay, tiếp tục lún sâu vào nợ nần. Họ mang cá chết ra Quốc lộ 51 tạo áp lực đòi cơ quan chức năng giải quyết, gây ra những căng thẳng ngày càng tăng.
Nhớ lại các sự cố cá chết ở Long Sơn và quá trình giải quyết sự cố này trong nhiều năm qua, tôi nghĩ có mấy dấu mốc chính sau đây:
- Từ chỗ không xác định được nguyên nhân đã đi đến chỗ xác định; thậm chí là chỉ ra được đích danh những DN nào phải chịu trách nhiệm về hành vi xả thải gây ô nhiễm khiến cá chết.
- Về quan điểm xử lý, chính quyền tỉnh cho rằng người gây ô nhiễm dẫn đến thiệt hại cho ngư dân thì phải bồi thường. Cao hơn nữa, chính quyền ủng hộ ngư dân kiện 14 DN ra tòa; còn Đoàn Luật sư thì trợ giúp pháp lý miễn phí cho ngư dân trong vụ kiện. TAND TP.Vũng Tàu đã thụ lý hồ sơ và đang thực hiện trình tự giải quyết vụ án.
- Trong số các nguyên nhân gây cá chết, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các lỗi của người nuôi về vi phạm quy hoạch vùng nuôi, kỹ thuật nuôi và các nguyên nhân thuộc về thời tiết, nghĩa là không chỉ có duy nhất nguyên nhân DN xả thải gây nhiễm độc nguồn nước.
- Trong sự cố đầu tháng 10-2016 này, khi đối thoại với dân, UBND tỉnh đồng ý để đại diện ngư dân tham gia giám sát việc xả thải của các DN chế biến hải sản tại Tân Hải; kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở này về khu chế biến tập trung ở Xuyên Mộc, Đất Đỏ; đồng thời cho rà soát quy hoạch vùng nuôi thủy hải sản, khuyến cáo giãn bớt mật độ nuôi trên sông Chà Và.
Những mốc sự kiện này là rất có ý nghĩa; nó cho thấy chính quyền đã tích cực giải quyết sự việc trên cơ sở thực tiễn, khoa học, khách quan, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của ngư dân. Nhưng, cá vẫn chết, ngư dân vẫn thiệt hại và họ càng có lý do để bức xúc. Tôi nghĩ, có tình trạng này là vì những biện pháp mang tính “cột mốc” nói trên tuy là cố gắng đầy thiện chí của chính quyền nhưng chưa được thực hiện triệt để, dứt điểm. Vì vậy, tôi xin đề nghị mấy việc như sau:
Một, TAND TP. Vũng Tàu sớm đưa ra xét xử vụ ngư dân kiện các DN chế biến hải sản tại Tân Hải, các DN này phải hoàn tất việc bồi thường theo bản án có hiệu lực của Tòa để ngư dân có vốn làm ăn và cảm thấy thỏa mãn.
Hai, trong khi chờ di dời các cơ sở chế biến ở Tân Hải, phải thi hành ngay chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh về việc cho đại diện ngư dân tham gia giám sát xả thải tại các DN này. Phải xây dựng quy trình xả thải, trong đó quy định bắt buộc DN thông báo bằng văn bản cho ngư dân biết trước về việc xả thải ít nhất là bao nhiêu ngày – tương tự quy trình xả lũ của hồ thủy điện. Quy định rõ về cách thức tham gia giám sát của ngư dân đối với quy trình này. Quy trình phải được thảo luận và ký kết giữa DN với UBND xã Long Sơn và đại diện ngư dân.
Ba, cơ quan chức năng phải quy hoạch hợp lý vùng nuôi thủy hải sản, tăng cường trách nhiệm trong việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, tư vấn về phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh và các thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa.
Bốn, sau khi quy hoạch lại vùng nuôi, phải yêu cầu ngư dân cam kết với UNBD xã thực hiện đúng quy hoạch về diện tích, vị trí, mật độ nuôi, khoảng cách giữa các lồng bè, v.v… tức là tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi; đồng thời cam kết nếu vi phạm sẽ bị xử lý và tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại do lỗi của người nuôi.
Nếu những việc nói trên được thực hiện “ngay và luôn”, chúng tôi nghĩ các sự cố cá chết ở Long Sơn, những thiệt hại và hệ lụy do nó gây ra cho sản xuất và trật tự an toàn xã hội sẽ không còn, hoặc chí ít cũng được kiểm soát ở mức thấp nhất.
HẢI THANH THẢO
(Phường 8, TP. Vũng Tàu)
Nguồn tin: www.baobariavungtau.com.vn