Thí điểm khai thác, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi
Ông Trần Văn Đạt - Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng cho biết: “Sản phẩm khai thác của chúng tôi chủ yếu bán cho nậu, vựa và thương lái. Nay Công ty TNHH Thịnh Hưng đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm là điều đáng mừng. Quy trình của công ty đưa ra để đảm bảo chất lượng cá thương phẩm không có gì phức tạp”. Ông Đạt tin tưởng, với hơn 40 thành viên trong tổ hợp tác sẽ làm tốt quy trình mà DN đưa ra. Tuy giá có thấp hơn các DN đang thu mua, nhưng với những chế độ, chính sách ưu đãi đi kèm, hy vọng việc hợp tác sẽ bền vững.
Mô hình mới
Ông Huỳnh Đắc Trí - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Hưng cho biết, được Chi cục Thủy sản Khánh Hòa vận động xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi, xét thấy đây là hướng đi phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương nên đơn vị nhất trí ngay và xem đó là cách chung tay giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân.
Theo hợp đồng ghi nhớ, Công ty TNHH Thịnh Hưng sẽ mua toàn bộ sản phẩm khai thác của tổ hợp tác, đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm. Tổ hợp tác áp dụng kỹ thuật theo quy trình mà DN đưa ra, cam kết bán toàn bộ sản phẩm từ quá trình khai thác. Cá được thu mua theo giá thị trường. Nếu lô cá ngừ có 10% sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, công ty sẽ hỗ trợ thêm 2.000 đồng/kg cho toàn bộ lô hàng.
Công ty có chính sách khuyến khích hỗ trợ dụng cụ sơ chế, bảo quản cá ngừ đúng quy định, thường xuyên hướng dẫn quy trình công nghệ khai thác, chế biến để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Ngoài ra, căn cứ vào chất lượng sản phẩm và sản lượng, định kỳ 6 tháng, DN xếp hạng chọn vị trí nhất, nhì, ba của các tàu để khen thưởng; đồng thời khen thưởng đột xuất tàu khai thác cá ngừ đạt chất lượng và sản lượng cao. Theo ông Đạt, việc triển khai sẽ bắt đầu vào vụ khai thác cá ngừ đại dương mới (khoảng mùng 10 tháng 10 âm lịch)
Tàu khai thác, đánh bắt cá ngừ cập cảng Hòn Rớ. (Ảnh: Văn Giang)
Đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ
Hiện nay, toàn tỉnh có 44 DN tham gia xuất khẩu thủy sản, trong đó có nhiều DN xuất khẩu cá ngừ đại dương như: Hải Vương, Hải Long, Thịnh Hưng, Hoàng Hải, Tín Thịnh… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ngành sản xuất cá ngừ vẫn bộc lộ một số bất cập như: tàu thuyền nhỏ; trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm còn thủ công, lạc hậu; tổ chức sản xuất thiếu chặt chẽ; hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm phân tán, manh mún; thu mua còn dựa vào thương lái, nậu vựa nên giá bán không ổn định, bấp bênh; đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, tuy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh triển khai các mô hình liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương nhưng đã thất bại. Mô hình thứ nhất là thu mua cá ngừ của Công ty TNHH Hải Vương, nhập 2 tàu của Nhật Bản có hệ thống đông lạnh sâu, nhưng gặp khó khăn trong tổ chức thu mua trên biển nên chuỗi liên kết bị gián đoạn. Mô hình thứ 2 của Công ty TNHH Lê Trứ, triển khai thu mua cá ngừ tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang). Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, ngân hàng chưa mạnh dạn giải ngân hoạt động nghề lưới vây đuôi nên chưa thể hình thành chuỗi liên kết. Rút kinh nghiệm từ các mô hình trước, Chi cục Thủy sản đã vận động các DN thủy sản xuất khẩu tổ chức loại hình thu mua tại chỗ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho ngư dân, thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình mới, khắc phục được những điểm yếu của các mô hình trước để triển khai thí điểm mang tính bền vững.
Để mô hình phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết như: đối với tàu tham gia chuỗi được hỗ trợ 50% chi phí mua trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm; hỗ trợ tư vấn, chứng nhận tàu đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; ưu tiên xem xét khi tham gia các chương trình hỗ trợ khác. Đối với DN tham gia chuỗi được hỗ trợ chi phí quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tư vấn, xác nhận nguồn gốc sản phẩm…
V.L